Thứ Th 6,
29/03/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Mầu Nhiệm Sự Chết
Mùa Chay, đặc biệt trong tuần thánh-là đỉnh cao của phụng vụ Ki-tô giáo, chúng ta đặc biệt cử hành cuộc vượt qua của Con Thiên Chúa, tức là mầu nhiệm đau khổ, sự chết và phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô. Chiều Thứ Sáu tuần thánh là thời khắc tột cùng nhất, đụng chạm đến sự yếu hèn, giới hạn và sự bất lực nhất của Đức Giê-su Ki-tô trong thân phận con người, đó là sự chết.
Triết học về con người coi con người là một huyền nhiệm. Trong huyền nhiệm đó, sự chết là một huyền nhiệm dường như vẫn chưa ai có thể lý giải cách rốt ráo về ý nghĩa của sự chết. Sự hiện hữu của con người, Max Scheler đã diễn tả, cuộc đời như một cuộc tiến bước đến cái chết. Và theo lẽ nhân sinh, đứng trước huyền nhiệm con người thì, sự chết vẫn là một điều gì đó khủng khiếp nhất của thân phận con người, vì nó cắt đứt hết mọi liên lạc giữa người sống và người chết.
Tuy nhiên, với niềm tin Ki-tô giáo, sự chết không đến nỗi bi quan và thất vọng đến thế. Đức tin Ki-tô giáo dạy rằng, sự chết là cửa ngõ mở ra cho ta một sự sống mới, để đi vào sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Chính Đức Giê-su đã nói: “Ví như hạt lúa mì rơi xuống đất, nếu không chết đi, không thối đi, thì nó sẽ trơ trọi, nhưng nó phải chết đi, phải thối đi, thì nó mới sinh được nhiều bông hạt.” (x.Ga 12,24) và chính Ngài đã phải chết đi trong thân phận con người rồi mới đạt tới phục sinh vinh quang.
Huyền nhiệm sự chết là hạn từ đã được thánh Ambrôsiô giám mục tiến sĩ Hội Thánh – một giáo phụ thế kỷ thứ 4, sử dụng để diễn tả điều sẽ xảy ra khi chúng ta dám chết đi cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa. Ngài ám chỉ lời thánh Phaolô Tông đồ đã viết “vì được dìm vào cái chết của Đức Ki-tô, chúng ta cũng được mai táng với Người”, nghĩa là huyền nhiệm sự chết đích thực nhất là khi chúng ta được dìm vào trong bí tích Thánh Tẩy.
Thánh Phanxicô Sale cũng nối tiếp tư tưởng này, ngài cho rằng việc nối kết giữa người được yêu và sự chết làm sao để nên dấu chỉ cao nhất của tình yêu, đó là dám sẵn lòng chết đi cho người khác. Các thánh tử đạo là dấu chứng cho điều này: sự vĩ đại của tình yêu là trao ban sự sống cho Đức Kitô và tha nhân.
Sau này, Thánh Phaolô Thánh Giá, Đấng sáng lập Dòng Thương Khó Chúa Giêsu, đã nâng mầu nhiệm này lên một tầm cao mới: suốt cuộc đời, ngài luôn chiêm ngắm và suy gẫm về mầu nhiệm sự chết trong sự hiệp thông với Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu Kitô, đồng thời nối kết với sự chết và niềm hy vọng của con người vào sự phục sinh của Đức Giê-su Kitô. Huyền nhiệm sự chết mà thánh nhân ám chỉ là khi ngài nói đến sự dự phần vào sự chết của Đức Giêsu trên thập giá. Thánh nhân đã đi đến khao khát được ‘đồng hình đồng dạng vào sự chết của Đức Giêsu Ki-tô’, đến nỗi thánh Phao-lô Thánh Giá đã thốt lên rằng, “Lạy Chúa, con khao khát được chết với sự chết của Chúa trên thập giá, nơi các linh hồn được đắm chìm trong Đấng lang quân của mình, nơi mà Ngài đã nằm trên đồi Canvê xưa. Các linh hồn chết đi bởi một cái chết đau đớn của thân xác, để họ cùng được sống lại với Ngài, Đấng đã chiến thắng khải hoàn thiên quốc.”
Còn với các tu sĩ của mình, thánh Phao-lô Thánh Giá làm nổi bật lời khấn Dòng về mầu nhiệm sự chết khi nói với họ rằng, “Các con có biết điều gì làm nên ý nghĩa lời khấn dòng chúng ta không? Nó có nghĩa là, chỉ như sự chết tách biệt linh hồn ra khỏi thể xác; bởi thế, lời khấn dòng là một sự chết huyền nhiệm, bằng việc một tu sĩ phải chết đi tất cả mọi trần tục cùng với một sự từ bỏ hoàn toàn, và khước từ ý riêng của mình, buông đi ý riêng và thánh hiến chính mình cho Thiên Chúa mà tuân theo ý định của Bề Trên”.
Trong cuộc sống con người, sự sinh ra thì có trước sự chết, nhưng trong đời sống nội tâm sâu xa của tinh thần thì ngược lại: mầu nhiệm sự chết có trước mầu nhiệm sinh ra. Thánh Phaolô Thánh Giá ước mong cha Tô-ma Fossi, một tu sĩ Thương Khó, kinh nghiệm được mầu nhiệm sự chết, nhờ vậy ngài có thể cảm nhận được sự sinh ra. Nghịch lý của sự chết được thể hiện qua cái chết và phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Các thánh Giáo Phụ thường gọi sự phục sinh là sự tái sinh của Ngài, sự tái sinh của Ngài cho một sự sống mới và sự sống trỗi dậy.
Chiêm ngắm và quảng bá về mầu nhiệm sự chết, đặc biệt là hiệp thông vào sự chết của Đức Giêsu, là một phần linh đạo của Dòng Thương Khó Chúa Giêsu. Mầu nhiệm sự chết là cách để nối kết với đau khổ và sự chết của chúng ta. Mầu nhiệm này giúp chúng ta ở lại để lùi vào sự cô tịch nội tâm, nhờ cảm nếm được giá trị của sự chết, nó sẽ mang lại ơn tái sinh trong Đấng Cứu Độ-đó là tất cả niềm hy vọng của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con học lấy giá trị nơi mầu nhiệm sự chết của Chúa, để từng ngày trong đời sống chúng con, chúng con cũng chết đi con người yếu hèn của mình, ngõ hầu mai sau chúng con cũng hy vọng được thừa hưởng sự sống vĩnh cửu với Chúa trên quê trời bất diệt. Amen.
Phaolô Nguyễn Văn Cầu, C.P.