Năm Dấu Thánh Của Đức Giêsu

Thứ Th 5,
28/03/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

NĂM DẤU THÁNH CỦA ĐỨC GIÊSU


Người tín hữu Việt Nam khá quen thuộc với một hình thức đạo đức bình dân, đó là ngắm Năm Dấu Thánh. Trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta cũng biết đến nhiều vị thánh được ơn lãnh nhận Năm Dấu Thánh trên thân mình, đơn cử như: thánh Phanxicô Assisi, thánh nữ Gemma Galgani, hay thánh Piô Năm Dấu… Vậy ý nghĩa của việc sùng kính Năm Dấu Thánh Chúa là gì? Hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu.

NỀN TẢNG THÁNH KINH

Năm Dấu Thánh tức là những vết thương ở tay và chân của Chúa Kitô gây nên bởi việc đóng đinh (x. Ga 19,18) và vết thương cạnh sườn do ngọn giáo đâm (x. Ga 19,34). Sau khi Phục Sinh, Chúa chúng ta đã giữ lại những vết thương của Người như những dấu hiệu chiến thắng. “Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: ‘Bình an cho anh em.’ Rồi Người bảo ông Tô-ma: ‘Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”’ (Ga 20,26b-27). Thánh Phaolô nhắc lại cho chúng ta ơn tái sinh mà chúng ta lãnh nhận nhờ cái Chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô: “Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người.” (Ep 1,7).

Như vậy, khi sùng kính Năm Dấu Thánh, chúng ta suy tôn mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại để giao hòa chúng ta cùng Thiên Chúa.

LỊCH SỬ

Việc tôn sùng Năm Dấu Thánh đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử Giáo Hội. Nhiều thực hành khác nhau đã được thực hiện để tôn kính Năm Dấu Thánh Chúa Kitô, chẳng hạn như các lễ ngoại lịch, các giờ kinh thần vụ, các bài thánh ca, đọc kinh Lạy Cha…
Khoảng thế kỷ IV, Thánh Gioan Kim Khẩu, trong các bài giảng về Tin Mừng Gioan, đã mời gọi các tín hữu noi theo thái độ của Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó (x. Bài giảng 83; Ga 18,1–36). Qua thế kỷ XII, thánh Viện phụ Bênađô, nhờ lời rao giảng cũng như uy tín của ngài, đã thúc đẩy một cách mạnh mẽ lòng sùng kính đặc biệt đối với Năm Dấu Thánh của Chúa. 

Vào thế kỷ XIV, ở miền nam nước Đức có phong trào đọc 5 kinh Lạy Cha vào ba buổi sáng, trưa, chiều mỗi ngày để kính nhớ Năm Dấu Thánh. Kinh Mân Côi do dòng Đa Minh cổ võ cũng giúp thúc đẩy việc tôn sùng các Năm Dấu Thánh, vì trong khi năm mươi hạt nhỏ để tôn vinh Mẹ Maria, thì năm hạt lớn và các kinh Lạy Cha tương ứng nhằm tôn vinh Năm Vết Thương của Chúa Kitô.

Ngày 11 tháng 8 năm 1823, Đức Giáo hoàng Lêô XII phê chuẩn cho Dòng Thương Khó sử dụng chuỗi Năm Dấu. Chuỗi này bao gồm năm phần, mỗi phần gồm có năm kinh Sáng Danh để tôn vinh Năm Dấu Thánh của Chúa Kitô và một kinh Kinh mừng để kính nhớ Đức Mẹ Sầu Bi ( ). Dòng Thương Khó cũng cử hành lễ ngoại lịch kính Năm Dấu Thánh vào thứ sáu sau Chúa nhật II mùa Phục Sinh. 

Ngày nay, trong đêm cử hành Canh thức Vượt qua, chúng ta thể hiện lòng tôn kính đối với Năm Dấu Thánh qua việc gắn 5 hạt hương vào Nến Phục Sinh.

THẦN HỌC

Chúa Kitô đã mang Năm Dấu Thánh sau khi Phục Sinh. Chúa cho phép thánh Tôma chữa lành những nghi ngờ của mình bằng cách chạm vào các lỗ đinh và vết thương ở cạnh sườn Ngài. Tại sao thân thể phục sinh của Đức Kitô vẫn mang những vết thương này ngay cả sau khi Ngài đã được vinh hiển? Trong Tổng luận Thần học, thánh Tôma Aquinô đưa ra năm lý do như sau (ST III, q.54, a.4):

Trước hết là vì vinh quang và chiến thắng của Chúa Kitô. Nguyên tổ A-đam khi tự tôn mình lên bằng sự kiêu ngạo và bất tuân đã bị con rắn trên cây đánh bại, thì bây giờ Chúa Kitô đã tự nhận mình là “thân sâu bọ chứ người đâu phải” (Tv 22,7), để nhắc nhở chúng ta về con rắn đồng được Mô-sê treo lên cây cột để chữa lành vết rắn cắn và tội lỗi của dân chúng (x. Ds 21,4-9), chính Người “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.”  (Pl 2,7-9).  

Thứ hai, Chúa Kitô đã giữ lại những vết thương trong vinh quang, để củng cố đức tin và niềm hy vọng vào sự phục sinh của các môn đệ, và nhờ đó ban cho họ lòng can đảm chịu đau khổ vì danh Người. Được bảo đảm về niềm hy vọng của mình, chúng ta sẽ không sợ đau khổ và cái chết, đúng hơn, thánh Phêrô khuyên nhủ: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ.” (1Pr 4,13)

Thứ ba, Chúa Kitô lưu giữ Năm Dấu Thánh, để khi Ngài cầu xin Chúa Cha cho chúng ta, Ngài luôn luôn tỏ ra cách Ngài đã chịu chết vì chúng ta. Chúa Giêsu, với tư cách là Thượng Tế, đã vào Nơi Cực Thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với Máu của chính Người, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. (x. Hr 9,11-12). Người đã vào thiên đàng để hiện diện trước mặt Thiên Chúa và “chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ (Hr 7,24-25).

Thứ tư, để làm cho những kẻ được cứu chuộc bằng máu của Đức Kitô biết rằng Ngài đã trợ giúp đỡ với lòng thương xót thế nào, khi Ngài phơi bày trước mặt họ những dấu vết Ngài đã chịu. Điều này Ngài làm không chỉ để chứng tỏ tình yêu vĩ đại của Ngài “không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1 Ga 4,10), nhưng còn để củng cố niềm hy vọng của chúng ta: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.” (Rm 8,31.35.37). 

Cuối cùng, để trong Ngày Phán xét, mọi người, ngay cả những kẻ không tin, có thể thấy rõ sự lên án dành cho họ thực sự công bằng đến mức nào, ở chỗ họ đã từ chối một sự cứu chuộc vĩ đại đến thế. Theo đó, chúng ta đọc trong sách Khải Huyền: “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây, ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người” (Kh 1,7).

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài huấn từ sau kinh Truyền Tin ngày 18 tháng 3 năm 2018 đã đưa ra suy tư này: khi nhìn lên cây thánh giá, hãy nhìn vào bên trong nó. Chúng ta tìm cách đi vào bên trong, qua những vết thương của Chúa Giêsu, để chạm tới trái tim của Ngài. Và ở đó chúng ta sẽ học được sự khôn ngoan vĩ đại của mầu nhiệm Chúa Kitô, sự khôn ngoan vĩ đại của thập giá. Tôn kính Năm Dấu Thánh là một lòng sùng kính đẹp đẽ, một lòng sùng kính nhìn nhận nỗi đau lớn lao mà Chúa Giêsu đã chịu đựng cho mỗi người chúng ta và cầu xin lòng thương xót của Người để rửa sạch tội lỗi của chúng ta.

Giáo Hội không bỏ qua hoặc che giấu vết thương của mình. Một Giáo hội với những vết thương có thể hiểu được những vết thương của thế giới ngày nay và biến chúng thành của mình, đau khổ với thế giới, đồng hành với thế giới và tìm cách chữa lành thế giới. Một Giáo hội bị tổn thương không biến mình thành trung tâm của mọi sự, không tin rằng mình là hoàn hảo, nhưng luôn bám chặt lấy Đức Giêsu, Đấng duy nhất có thể chữa lành những vết thương của chúng ta.

Vì năm vết thương chí thánh và vinh hiển, xin Chúa Kitô gìn giữ và bảo vệ chúng ta. Amen.

J.M. Bùi Tấn Tài, C.P.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: