Những Điều Về Chúa Nhật Lễ Lá Nhắc Chúng Ta: Đức Kitô Là Vua

Thứ Th 7,
01/04/2023
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó

Những Điều Về Chúa Nhật Lễ Lá Nhắc Chúng Ta: Đức Kitô Là Vua


Chúa Nhật Lễ Lá tưởng niệm việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để dự lễ Vượt Qua của người Do Thái.

Chúa Giêsu cưỡi một con lừa con vào thành Giêrusalem và được chào đón bởi một đám đông dân chúng cầm cành cọ và mọi người tung hô: “Hôsana Con vua Đavít! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô Chúa trên các tầng Trời!” (Mt 21,9). Dân chúng còn trải áo và cành cọ xuống đất khi Chúa Giêsu đi ngang qua.

Chúng ta còn có thể tìm thấy những tường thuật về biến cố này trong cuộc đời Chúa Giêsu trong Tin Mừng Máccô 11,1-11; Luca 19, 28-40; Mátthêu 21,1-11 và Gioan 12,1-17. Một số bản Kinh Thánh đặt tiêu đề cho đoạn văn là “Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia”. Những đoạn văn này cung cấp cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc và nền tảng về ý nghĩa của việc tưởng niệm này đối với các Kitô hữu. Mặc dù, mỗi trường thuật của Tin Mừng cung cấp một góc nhìn khác nhau nhưng cùng mô tả một biến cố của Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. 

Hơn nữa, những tường thuật về biến cố này còn cho chúng ta thấy Đức Kitô là Vua:

1.    Lời Chúa cho chúng ta biết đông đảo dân chúng trải áo xuống mặt đường, một số khác lại chặt cành chặt lá cọ rải lên lối đi cho Chúa Chúa Giêsu khi Ngài cưỡi lừa vào thành (Mt 21, 7). Việc trải áo và cành cọ xuống đất là một cách tượng trưng để người dân coi Chúa Giêsu là vua của họ. Họ hy vọng rằng Chúa Giêsu sẽ lật đổ chính quyền La Mã ở Giêrusalem: “Chúc tụng Vua Israel” (Ga 12,13). Hơn nữa, cành cọ tượng trưng cho những điều tốt đẹp và sự chiến thắng, đồng thời là biểu tượng cho chiến thắng cuối cùng mà Chúa Giêsu sẽ sớm hoàn thành trước cái chết. 

2.    Chúa Giêsu chọn cưỡi lừa để vào thành Giêrusalem, điều này trực tiếp ứng nghiệm lời tiên tri của ngôn sứ Dacaria trong Cựu Ước: “Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9,9). Vào thời của Kinh Thánh, các vị vua hoặc những người quan trọng thường đến bằng một cuộc rước được cưỡi bằng lừa. Lừa tượng trưng cho hòa bình, vì vậy những người chọn cưỡi lừa cho thấy rằng họ đến với mục đích hòa bình.  Vì thế, việc Chúa Giêsu cưỡi lừa vào thành Giêrusalem còn nhắc nhở chúng ta rằng Ngài là Hoàng Tử Bình An.

3.    Khi đám đông dân chúng tung hô Chúa Giêsu “Hosanna!”, có nghĩa họ tung hô Chúa Kitô là Vua. Từ “Hosanna” thực sự có nghĩa là “save us – xin cứu thoát chúng tôi”, và mặc dù trong tâm trí của họ, họ chờ đợi một vị vua trần gian. Một vị vua giải thoát họ khỏi đế quốc Rôma theo nghĩa chính trị, nhưng Thiên Chúa có một cách khác để mang lại sự cứu độ thực sự cho tất cả những ai tin cậy nơi Đức Giêsu Kitô. “Nếu miệng bạn tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10,9).

4.    Kinh Thánh nói rằng Chúa Giêsu khóc thương con cái thành Giêrusalem. Giữa sự tung hô, chào đón một cách hân hoan, hồ hởi của đám đông dân chúng lúc này, trong lòng Ngài biết rằng chẳng bao lâu nữa có những người trong đám đông này sẽ quay lưng lại với Ngài, phản bội Ngài và la hét để đóng đinh Ngài. Trái tim Ngài tan vỡ với hiện thực là họ cần một Đấng Cứu Độ. “Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Chúa Giêsu khóc thương mà nói: ‘Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!’ Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được (Lc 19,41-42).”

Như vậy, trong Tuần Thánh này, xin Chúa hướng dẫn lòng trí, suy nghĩ và sự chú ý của chúng ta đến điều quan trọng nhất, đó chính là Chúa Giêsu Kitô, là Vua của chúng ta.

Sỹ Đoàn, C.P.
 

popup

Số lượng:

Tổng tiền: