Thứ Th 5,
28/03/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh
Tin Mừng: Ga 18,1-19,42
CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU
HY VỌNG CỦA TA
Trong cuộc sống của chúng ta khi bình an, bình thường, bình sinh, thịnh vượng được tiếng là bình tĩnh, bình tâm và an nhiên tự tại. Không có gì phải lo lắng, sợ hãi và bận tâm.
Lúc khỏe mạnh được coi như nhân đức lắm, giỏi giang lắm, nói hay lắm, sống hay lắm!
Thế nhưng, khi bị thử thách bằng những tật bệnh như ung thư phổi, ung thư gan hay ung thư thận, cùng với những đau đớn tinh thần, thể xác, nhức nhối dài lâu, cũng đều tỏ lộ rõ rệt bản chất rất “người” của kiếp nhân sinh.
Lúc đó, ta phải thốt lên rằng: “Con đau quá Chúa ơi, con chịu không thấu!” Từ đó, đưa tới việc cằn nhằn, kêu ca, bẳn gắt, bất nhẫn, cộc cằn, khó chịu, to tiếng… Nếu như nỗi đau ấy khiến ta chịu đựng không nỗi, không thấu, ta có lẽ phải thốt lên rằng: “Thà được chết và chết đi được thì hơn để khỏi phải uống hay mang chén đắng này!”
Hôm nay, chúng ta cùng chiêm ngắm Sự Thương Khó của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng bắt gặp những cung bậc cảm xúc đau khổ của Chúa Giêsu được hiện ra. Ngang qua cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, ít nhất cho ta thấy Ngài trải qua ba loại đau khổ mà Người phải gánh chịu. Đó là đau khổ về thể xác, tinh thần và tâm linh.
Đầu tiên là đau khổ về thể xác. Theo luật La mã thời bấy giờ thì phạm nhân bị lột hết áo quần, thân mình bị trói vào cột đá. Bọn lính to cao khỏe mạnh dùng giây tua, đầu bọc thép và quất liên tục vào thân người. Da, thịt và máu thánh Chúa Giêsu trong trường hợp này, chắc chắn đã bị bứng ra từng mảnh! Bị cắt ra từng miếng! Bị tróc ra từng hồi! Bị móc ra từng khúc! Bị kéo ra từng sợi! Bị rút ra từng ly! Bị nghiến ra từng khúc! Bị xẻo ra từng tý! Bị chặt ra từng thớ! Bị bóc ra từng phân và bị động đến từng sợi giây thần kinh!
Chưa hết, họ còn trao cho Người cái mũ gai đinh nhọn khiến cho máu thánh chảy ra mỗi lúc mỗi nhiều hơn vì sự đụng chạm của cây thánh giá Người phải vác. Sự đau đớn thân xác đến tột cùng của Người phải gánh chịu nhưng Người vẫn im lặng như con chiên bị người ta mang đi xắn lông làm thịt. Nhiều nhà thần học đã phải nhận định rằng: “Chỉ có Con Thiên Chúa mới có thể có sức chịu đựng như vậy.”
Tuy nhiên nỗi đau thân xác vẫn chưa đủ khi Người còn phải chịu thêm cái đau khổ về tinh thần. Ở đấy Người phải chứng kiến và đau thương khi người môn đệ Giuđa phản bội, một Phêrô chối Thầy, những môn đệ thân tín khác thì chạy trốn và bị những người khác sĩ nhục. Tất cả những điều này như là những hạt muối tiếp tục xát vào những vết thương của Người. Khiến cho lòng Người phải chịu đau khổ làm sao!
Cuối cùng, đau khổ về tâm linh. Trong đau khổ tột cùng về thể xác và tinh thần như vậy, làm cho Người phải thốt lên rằng: “Lạy Chúa! Lạy Chúa! sao Ngài bỏ con! (Mt 27:45-46) Lời ca than vãn thống thiết của Người Tôi Trung. Đó là lời kêu thống thiết rất thật của con người, trong kiếp làm người, trong thân phận mỏng dòn của con người, khi bị nhức nhối, khi bị đau đớn, khi bị buốt giá quá sức chịu đựng, chịu không nổi nữa, đau lắm rồi, mệt mỏi lắm rồi, chịu không được nữa! Đành thốt lên: “Chúa ơi! Sao Chúa bỏ con?”
Chúa đâu rồi khi con đang phải chịu đau khổ thế này, Chúa ơi! Đó là những âm thanh thống thiết, tuyệt vọng, thất thanh, diễn tả sự khốn khổ, buốt giá tột đỉnh, tuyệt cùng của sự đớn đau nơi xác thân, khi con người bị xẻo từng miếng thịt cũng chỉ để thỏa mãn dã tâm của những con người muốn hành hạ Chúa. Họ mong muốn hành hạ con người, hành hạ nhau, hành hạ Chúa Giêsu đến mức tuyệt đỉnh là cái chết.
Quả thật, lời nói, văn viết không thể đủ để diễn tả được sự tuyệt đối đau khổ của Chúa Giêsu phải gánh chịu. Chỉ những ai đang chết từng giây vì bị hành hạ, bị làm khổ, bị sỉ nhục, như bị xử án lăng trì, bị đóng đinh, mới thực sự hiểu rõ, mới thấu hiểu đầy đủ: Thế nào mới gọi là nỗi đau đớn tuyệt đối này! Chúa ơi! Đau đớn lắm!
Hy vọng Phục Sinh Của Chúng Ta!
Sau những đau khổ thống thiết, giờ đây Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: “Cha ơi! Con phó linh hồn con trong tay Cha!” Một lời phó thác mạnh mẽ vào sự quan phòng của Chúa Cha như một em bé tin tưởng và phó thác cậy trông vào cha mẹ mình. Rồi Chúa Giêsu tắt thở (Lc 23:46).
Nhờ sự chết của Người, nhân loại đã được cứu thoát. Nhờ sự chết của Chúa Giêsu, con người được ơn tha tội. Như lời khẳng định của Người: “Như Môsê giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người mà được sống muôn đời” (Ga 3, 14). Đó là khi ta biết nhìn lên thập giá, con người sẽ được ơn an ủi trong lúc khó khăn, lúc mệt mỏi được ơn mạnh mẽ, lúc gia đình ly tán được ơn hiệp nhất…lời Chúa nói với thánh nữ Margaret Mary Alacoque. Nhờ cuộc thương khó của Chúa Giêsu, loài người được ơn tái sinh trong ơn thánh và được làm con Thiên Chúa.
Như thế, qua cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng cho bạn và cho tôi, bởi tình yêu của Ngài đã mang chịu tất cả những khổ đau, tội lỗi, gánh nặng vào thập giá, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Hơn nữa, như lời khẳng định của Người là Người đến không phải để lên án nhưng là để mang ơn cứu độ. “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). Nếu chúng ta thực sự chia sẻ với Người trong đau thương khốn khó, chúng ta cũng được chia sẻ với Ngài trong vinh quang (Rm 8:17).
Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Người vì tình yêu cao cả tuyệt vời, tuyệt diệu, tuyệt mỹ và một cách nhưng không của Người dành cho chúng con. Người đã chấp nhận mang tất cả đau thương để cho chúng con được sống và sống dồi dào. Xin cho lòng tin của chúng con mỗi ngày mỗi lớn mạnh hơn vào tình yêu thập giá của Người để cho đời chúng con được bình an và hạnh phúc. Mặc dù ở đấy vẫn còn biết bao nhiêu đau khổ, tuyệt vọng, gièm pha, oán ghét, chiến tranh hận thù mà con đang phải gánh chịu nhưng lòng chúng con vẫn luôn tin tưởng vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa. Amen.
Lm. Phanxicô Xaviê Hồ Ngọc Tuấn, C.P.