Thứ Th 3,
26/03/2024
Đăng bởi Truyền Thông Thương Khó
Tản mạn về Mầu Nhiệm Sự Đau Khổ
Một mùa Chay nữa lại về, và chúng ta đang bước vào những ngày của Tuần Thánh và hướng tới mừng đại lễ Phục Sinh năm 2024. Ắt hẳn mỗi người trong chúng ta đã có những cảm nghiệm thiêng liêng hay những tâm tình sống sám hối, cầu nguyện, bác ái trong mùa Chay. Để nhờ đó, chúng ta được thông dự vào hành trình 40 ngày chay thánh, và đỉnh cao là mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu.
Trước hết, mùa Chay là mùa mời gọi mỗi Kitô hữu nhìn về tương quan của mình với Thiên Chúa, của mình với tha nhân, và của mình với chính bản thân mình. Chúng ta nhìn về ba mối tương quan đó để thấy được thân phận yếu đuối mỏng giòn của phận người. Nhiều lúc vô tình hay hữu ý, ta đã có những lần lỗi phạm đến Chúa, đến tha nhân và chính mình; gây nên những đau khổ, tổn thương và thậm chí là chết đi các mối tương quan. Vậy nên, mùa Chay là cơ hội thuận tiện, là dịp hồng phúc để chúng ta nhìn lại bản thân mình, về cung cách lối sống, về thân phận hữu hạn của phận người:
Cho tôi một chút bụi tro
Để tôi suy niệm thân to xác này
Qủa vậy, ngang qua đó, chúng ta thấy rằng đau khổ xảy đến với chúng ta khi những mối tương quan này bị bẻ gãy, từ đó dẫn đến những đau khổ về tinh thần cũng như thể xác. Thật vậy, khi nhìn vào cuộc sống hiện nay, chúng ta thấy có biết bao nhiêu hoàn cảnh đau khổ, tổn thương đang diễn ra mỗi ngày, ở xa hay ở gần, ở nơi người thân hay người lạ, thậm chí là chính chúng ta. Có những đau khổ xảy đến với chúng ta là do bệnh tật, tai ương, thiên tai. Cũng có những đau khổ là do người khác gây ra cho chúng ta hay ngược lại chúng ta gây ra cho người khác. Nhiều lúc chúng ta nghe nói rằng: đã mang lấy kiếp con người là mang lấy đau khổ, và đau khổ không trừ một ai, người già hay người trẻ, người giàu hay người nghèo, tất cả chúng ta đều phải trải qua đau khổ. Thoạt nghe có vẻ bi quan về cuộc sống, nhưng thực sự đau khổ đang xảy ra mỗi ngày trong cuộc sống chúng ta. Vậy đâu là căn nguyên và đâu là giải pháp để xóa tan đau khổ?
Tác giả sách Giảng viên khẳng định rằng: “Càng nhiều khôn ngoan, càng nhiều phiền muộn, càng thêm hiểu biết, càng thêm khổ đau” (Gv 1,18); ‘Bóng dáng đau khổ' hiện diện trong mọi nơi, mọi lúc của đời sống con người trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Dưới nhãn quan Kitô Giáo, đau khổ không chỉ gắn liền với con người mà còn với muôn vật muôn loài. Điều này được thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi tín hữu Rôma: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người… Thật vậy, chúng ta biết rằng: Cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-22). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: “Vì vậy bao lâu mà cuộc sáng tạo chưa đạt được sự trọn hảo của nó, thì cùng với điều tốt thể lý, cũng có sự dữ thể lý” (GLGHCG 310). Như thế, đau khổ gắn liền với tội lỗi, với sự tự do của con người cũng như với tiến trình biến đổi của thế giới thụ tạo. Theo mặc khải Kitô Giáo, ba hình thức đau khổ đáng để chúng ta quan tâm là: đau khổ thể lý, đau khổ luân lý và đau khổ đời đời. Đau khổ thể lý được xem là đau khổ tự nhiên liên quan đến thân thể con người. Đau khổ luân lý liên quan đến đến tội lỗi, chẳng hạn, những tội lỗi về tư tưởng, lời nói và hành vi của con người trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và muôn vật muôn loài. Đau khổ đời đời là hậu quả của sự tự do chọn lựa đời sống luân lý của mỗi người. Trong gia đình nhân loại, không ai có thể miễn nhiễm khỏi đau khổ thể lý và đau khổ luân lý. Với thời gian, đau khổ thể lý sẽ qua đi. Đặc biệt, đau khổ thể lý đạt đỉnh điểm trong cái chết của mỗi người. Đau khổ luân lý được hòa giải nhờ tin tưởng, lắng nghe và thực thi giáo huấn của Đức Giêsu. Còn đau khổ đời đời thuộc về những ai từ chối tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được Đức Giêsu thực hiện. Đây là hình thức đau khổ chung quyết và không thể thay đổi.
Bên cạnh đó, Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa không phải là tác giả của sự dữ hay đau khổ trong thế giới thụ tạo, bởi vì “mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31). Theo sách Sáng Thế, khi con người vô ơn, khi con người kiêu ngạo, khi con người bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa cũng là khi tội lỗi xâm nhập trần gian và khi tội lỗi xâm nhập trần gian cũng là khi con người phải đối diện với muôn hình thức đau khổ (St 3,1-19). Tác giả sách Khôn Ngoan viết rõ hơn: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2,23-24).
Trong hành trình trần thế, Đức Giêsu cảm nhận sâu xa những đau khổ của kiếp người, chẳng hạn như Người sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo hèn; Người rong ruổi khắp nơi rao giảng; Người mệt nhọc, lo lắng, buồn phiền, khóc lóc; Người bị bà con quê hương xa lánh, những bậc vị vọng trong dân Do thái khinh bỉ, những người ngoại bang chê cười; Người bị kết tội vầ chịu khổ nạn. Thư gửi tín hữu Do thái nói về Đức Giêsu: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2,18). Do đó, Người quan tâm đến mọi người, đặc biệt những ai đau khổ về tâm hồn, thể xác. Chẳng hạn, Người chạnh lòng thương những người vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt (Mt 9,36); chạnh lòng thương trước đứa trẻ bị quỷ ám mắc bệnh động kinh và cho em được khỏe mạnh (Mc 9,14-29); chạnh lòng thương trước cái chết của con trai bà góa thành Na-in và làm cho con trai bà hồi sinh (Lc 7,11-17); chạnh lòng thương trước người mù từ lúc mới sinh và giúp ông thoát cảnh tăm tối (Ga 9,1-41). Không những thế, Người còn đồng hóa mình với những người khổ đau, chẳng hạn như những người đói khát, khách lạ, trần truồng, đau yếu, tù đày trong xã hội (Mt 25,31-46).
Trước những người đau khổ, Đức Giêsu dạy các môn đệ rằng không phải mọi hình thức đau khổ là do tội của họ hay của những người thân thuộc. Chẳng hạn, thánh Gioan trình thuật: "Khi ấy Ðức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người: Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này mới sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta? Ðức Giêsu trả lời: Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh" (Ga 9,1-3). Một mặt, chúng ta thấy rằng Đức Giêsu không phủ nhận đau khổ do tội gây nên. Mặt khác, Người mời gọi mọi người hãy mở trí lòng để có thể đón nhận chương trình của Thiên Chúa đối với các hình thức đau khổ trong gia đình nhân loại. Chỉ Đức Giêsu, chỉ Thiên Chúa mới thấu rõ ngọn ngành của đau khổ, còn con người cần biết cộng tác với Thiên Chúa và với nhau trong việc xoa dịu đau khổ cho của chị em mình. Với Đức Giêsu, đau khổ là bài học quý giá giúp mọi người hoán cải. Điều người muốn diễn tả là cuộc đời con người đầy những đau khổ, bất trắc và không ai có thể biết trước được. Tâm tình quan trọng nhất mà mọi người cần có là hoán cải, trở về với Thiên Chúa và thực thi thánh ý Người trong mọi biến cố của cuộc đời. Khi con người sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa và kết hợp mật thiết với Người thì bất cứ những gì xảy ra trên trần gian này đều không đáng lo sợ.
Hơn nữa, dù biết rằng đau khổ sẽ ập đến, Đức Giêsu vẫn tự nguyện mang lấy để thông phần đau khổ và ban ơn cứu độ cho mọi người. Đau khổ của Đức Giêsu là đau khổ của người công chính, của người vô tội, của người chịu đựng vì người khác: “Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,4-5). Sau này, trong hành trình rao giảng Tin Mừng, thánh Phêrô, người môn đệ trưởng của Đức Giêsu viết: “Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1 Pr 2,21-23). Như thế, Đức Giêsu chịu đau khổ do người khác và vì người khác.
Một lần nữa minh định rằng: Thiên Chúa không tạo ra đau khổ, Thiên Chúa luôn muốn dành những gì là tốt đẹp nhất cho con người. Vậy nên Mùa Chay là dịp thuận tiện để cho mỗi chúng ta nhìn về thân phận hữu hạn của mình, nhìn về mối tương quan với Chúa – tha nhân – và chính mình. Ngõ hầu chúng ta biết canh tân đời sống, biết xây dựng tình bác ái, nhất là kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Khổ Nạn qua những biến cố thăng trầm, đau khổ hay khó khăn. Để nhờ đó chúng ta được nên như Người, sống khiêm nhu, hiền hòa, vị tha, quảng đại, yêu mến tha nhân như chính mình; qua đó dẹp bỏ đi những ích kỷ, tham lam, kiêu ngạo, tự mãn, ganh đua, nói hành nói xấu…là mối dây gây chia rẽ và đau khổ.
Nguyện xin Chúa Giêsu Khổ Nạn và Phục Sinh là nguồn mạch chữa lành mọi đau khổ, xin thương cải hóa tâm hồn mỗi chúng ta, giúp chúng con biết chia sẻ, giúp đỡ những tâm hồn tan nát, những mảnh đời thê lương, để nhờ đó chúng ta được ngụp lặn trong ân sủng của Người, để được nuôi dưỡng, được săn sóc chở che trước mọi nỗi khổ đau, tai ương trong cuộc sống. Và giờ đây Chúa cũng đang mời gọi chúng con dấn thân cho Tình Yêu:
Đã bao giờ ta ngước nhìn lên Chúa
Thân tàn úa căng mình trên Thánh giá
Đã bao giờ ta ngước xuống anh em
Người thấp hèn không có chỗ tựa nương !
Ta quay cuồng trong hơn-thua-được-mất
Lòng ta chật! Không còn cho Chúa ngự
Đời lữ thứ! Sao ta còn vương vấn
Chốn phong trần! Còn gì khi xuôi tay.
Chúa ở đây! Anh em ta còn đó
Người đau khổ - chính Chúa đó người ơi
Hãy mau tới - đỡ nâng cùng san sẻ
Nên chi thể Tình Yêu giữa nhân gian.
Phêrô Nguyễn Quốc Thắng, C.P.